Nối tiếp tập 10, Tư trị thông giám tập 11 bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ thứ VI, khi đất nước Trung Quốc bước vào quá trình chuyển mình cuối cùng của giai đoạn phân cắt cát cứ (đây là giai đoạn mà giới sử học vẫn gọi là thời kỳ Nam - Bắc triều), để trở lại với hình thế thống nhất.
Mặc dù có tên là Trần kỷ, Tùy kỷ, song nội dung của tập này liệt kể đủ các việc thịnh suy hưng phế của bốn quốc gia Bắc Tề, Bắc Chu, Trần, Tùy. Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến sự hình thành của Bắc Tề, Bắc Chu và Trần đã được Tư trị thông giám trình bày trong tập trước.
Tư trị thông giám tập 11 bắt đầu với sự kiện Tây Ngụy Cung đế buộc phải nhường ngôi cho con của Vũ Văn Thái là Vũ Văn Giác, đánh dấu sự ra đời của triều Bắc Chu. Cùng năm ấy, Trần Bá Tiên ép Lương Kính đế thoái vị, tự mình lên ngôi hoàng đế, lập triều Trần, sánh vai với Bắc Tề và Bắc Chu, tạo hình thế chân vạc mới. Thách thức chung mà cả ba nước phải đối mặt bấy giờ là rối loạn về thứ tự truyền thừa và tái tổ chức cơ cấu quyền lực. Có thể nói phương thức giải quyết thách thức khác biệt ưu liệt có ảnh hưởng lớn đến vận mệnh tương lai của mỗi nước.
Cũng ở tập này, bạn đọc sẽ:
- Dõi theo bước thăng trầm của dân tộc Đột Quyết, từ việc thay thế người Nhu Nhiên làm chủ thảo nguyên, chi phối cán cân mạnh yếu giữa Bắc Tề và Bắc Chu, cho đến khi phân rã làm hai nửa đông tây, phải thần phục nhà Tùy, rồi lại quật khởi vây Tùy đế ở Nhạn Môn, sau cùng là hậu thuẫn cho hầu hết các lộ quân phiệt miền bắc phản lại Tùy triều.
- Cảm nhận sự khốc liệt trên chiến trường Cao Ly, chiến trường không chỉ gián tiếp kích hoạt hàng loạt khởi nghĩa nông dân mà còn tạo điều kiện khiến tập đoàn thống trị nhà Tùy phân liệt trong biến loạn Dương Huyền Cảm.
- Chứng kiến tham vọng gồm thâu Tây Vực mà Bùi Củ bày ra và cảnh tượng vạn quốc triều bái tại Yên Chi sơn, khi Tùy Dượng đế đạt đến tột đỉnh vinh quang, được Tư trị thông giám đánh giá là thời điểm cực thịnh của nhà Tùy.
Trong Tư trị thông giám tập 11 này cũng xuất hiện những ghi chép đầu tiên về các minh quân, lương thần, thống soái, hùng chủ cát cứ nổi tiếng thời nhà Đường mà chúng ta quen tên là Lý Uyên, Lý Thế Dân, Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Ngụy Trưng, Lý Tĩnh, Từ Thế Tích, Lý Mật, Đậu Kiến Đức, Đỗ Phục Uy..., hứa hẹn những nội dung rất thú vị trong Tư trị thông giám tập 12.