“Mọi động vật trong thế giới tự nhiên đều đang ngụy trang, cả con người cũng vậy. Điểm khác biệt duy nhất là có loài ngụy trang để sinh tồn, nhưng có loài ngụy trang để giết chóc.”
Bắt đầu bằng sự mất tích bí ẩn của các nữ sinh viên đại học, kéo theo là những đoạn video man rợ được tung lên mạng bởi một kẻ tự xưng là Chú Hề - một con bệnh tâm thần đội lớp mặt nạ chú hề, biến những vụ sát hại thành “màn trình diễn nghệ thuật” bằng máu. Trong khi đội điều tra đang căng mình truy vết hung thủ, một kẻ khác lại xuất hiện: Nhện. Hắn tinh vi hơn, lạnh lẽo hơn, và cũng giấu mặt sau lớp ngụy trang rùng rợn không kém.
Nhưng điều khiến “Sống dưới lớp mặt nạ” vượt ra khỏi khuôn khổ một tiểu thuyết phá án thông thường, chính là cách nó buộc người đọc phải tự hỏi: Ai mới thực sự là kẻ đeo mặt nạ? Là Chú Hề và Nhện - những kẻ giết người không ghê tay? Hay là những người còn sống, những “nạn nhân” tưởng như vô tội, nhưng cũng đang giấu kín phần bản ngã của mình sau lớp mặt nạ đạo đức, lý tưởng, hay nỗi sợ bị tổn thương?
Tác giả Đới Tây, một nữ nhà văn kỳ cựu từng làm nghề pháp y và hiện công tác tại Viện nghiên cứu khoa học hình sự Trung Quốc. Với văn phong sắc lạnh, tiết chế, nhưng ám ảnh đến nghẹt thở, Đới Tây không chỉ viết một cuốn tiểu thuyết trinh thám, bà tạo nên một mê cung tâm lý, nơi ánh sáng và bóng tối đan xen, nơi kẻ săn mồi và con mồi có thể đổi vai bất cứ lúc nào.
“Sống dưới lớp mặt nạ” là lời nhắc rằng: sự thật luôn có nhiều hơn một khuôn mặt, và mặt nạ, đôi khi không chỉ để che giấu, mà còn để tồn tại.