Ăn miếng trả miếng có lẽ là hài kịch cuối cùng của Shakespeare được viết trước khi ông bắt đầu thời kỳ sáng tác những bi kịch trứ danh của mình: Othello, King Lear, Macbeth, Antony and Cleopatra. Trong Ăn miếng trả miếng, Shakespeare nhắc nhở khán giả và độc giả của ông rằng sự khác biệt giữa hài kịch và bi kịch chủ yếu chỉ là sự khác biệt trong việc khái niệm hoá. Sở dĩ ta thấy tính hài hước là vì vở kịch sửa chữa những điều sai trái trong quan hệ xã hội, và chuẩn bị một tương lai tốt đẹp dựa trên sự chấp thuận hơn là hoàn hảo. Vấn đề sâu xa của Ăn miếng trả miếng là yếu tố hài kịch thực sự cấu kết với yếu tố bi kịch chứa đựng trong tác phẩm. Kết cục hài hước mang tên hôn nhân viên mãn và kết cục bi thảm mang tên cái chết của mỗi cá nhân cùng tồn tại một cách thụ động.
Mặc dầu ra đời đã bốn trăm năm và với những tình tiết, quan niệm tưởng như đã xưa cũ, những vấn đề mà Ăn miếng trả miếng đặt ra như vai trò của chính quyền trong việc định hình đời sống đạo đức của công dân, vai trò của hôn nhân, tự do luyến ái, nạn quấy rối tình dục đối với phụ nữ, quyền của phụ nữ đối với bản thân mình, hay nạn mại dâm, vẫn không mất đi tính thời sự. Có lẽ đây là những lý do tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ của vở kịch đối với khán giả và độc giả hôm nay.