Một loại nước uống có thể kể lại lịch sử của cả một quốc gia không? Với Câu chuyện Yerba Maté , học giả Julia J. S. Sarreal đã cho thấy câu trả lời là có - một cách thuyết phục, dữ dội và đầy chiều sâu. Cuốn sách là một biên niên sử văn hóa - xã hội đặc biệt, nơi một thức uống thảo mộc tưởng chừng giản đơn lại trở thành tâm điểm của những đàm phán không dứt về giai cấp, quyền lực, bản sắc và quốc gia.
Ở ngoài Nam Mỹ, maté có thể chỉ là một loại trà thảo mộc chứa caffeine, vị đắng, lạ miệng - nhưng với người Argentina, Paraguay, Uruguay và miền nam Brazil, nó là một phần máu thịt. Sarreal dẫn ta đi qua bốn thế kỷ biến đổi của maté: từ đồ uống bản địa được người Guaraní và Kaingang thu hái trong rừng; qua thời kỳ thực dân Tây Ban Nha biến nó thành hàng hóa và công cụ khai thác lao động; đến khi các nhà nước hiện đại tái định nghĩa nó như một “quốc ẩm” - vừa là biểu tượng đoàn kết, vừa là ranh giới chia cắt về tầng lớp, vùng miền, chính trị và văn minh.
Sarreal đã biến một thức uống thành điểm hội tụ của các ngành nghiên cứu tưởng chừng xa cách: lịch sử tiêu dùng, nhân học đồ uống, phê bình giai cấp, chủ nghĩa dân tộc. Thông qua báo chí, quảng cáo, văn học, văn bản thuộc địa và cả khảo sát thực địa, tác giả đã dựng lại những chuyển động xã hội, và hơn thế nữa, phân tích các tầng nghĩa tích tụ trong maté: một biểu tượng tự do với những người gaucho trên thảo nguyên pampas, một thói quen đáng xấu hổ bị giới thượng lưu Buenos Aires giấu nhẹm, một dấu hiệu thân mật trong sinh hoạt thường nhật - và cũng là một đối tượng bị khinh miệt, bị “đề nghị xóa bỏ” bởi những nhân vật chính trị vì cho rằng “lỗi thời”. Sarreal cũng không quên kể lại các tham vọng - và thất bại - khi đưa maté thành hàng hóa toàn cầu như cà phê hay trà: từ các thương nhân thế kỷ 17 đến doanh nghiệp thế kỷ 21. Nhưng chính trong sự bất thành ấy, maté lại khẳng định vị thế đặc thù của mình: không thuộc về toàn cầu, mà thuộc về một cộng đồng có chung ký ức, lịch sử và thói quen - thứ bản sắc không thể dịch chuyển.
Yerba maté trong tay người Argentina không đơn thuần là một tách đồ uống. Nó là hình ảnh thu nhỏ của những cuộc thương thuyết xã hội kéo dài, là chiếc gương phản chiếu các đứt gãy tầng lớp, là bản đồ ký ức và làn ranh ý thức hệ. Từ các đồn điền bị bóc lột ở Misiones đến kệ hàng siêu thị thời toàn cầu hóa, từ phòng khách trung lưu đến bờ hồ nơi những người lao động trò chuyện - maté hiện diện như một chất liệu của quốc gia, một ngôn ngữ xã hội.