Bạn có bao giờ để ý đến vai trò của sông nước trong đời sống tinh thần và vật chất của người Việt không? Đi trên bờ mà vẫn dùng lặn lội - lặn lội đến thăm nhau, lặn khỏi cơ quan, lặn mất tăm khỏi lớp học, đi trên bờ mà vẫn xin quá giang (qua sông), trên bờ mà vẫn dùng bến?
Người Việt từ thuở hồng hoang đã gắn chặt đời mình với sông nước, chính vì thế ngôn ngữ tri nhận cũng không tách rời khỏi nước. Người Việt có “cái đặc tính mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động như nước”, và chính khả năng thích ứng và cân bằng đó là bí quyết sinh tồn của Việt Nam ta.
Không chỉ riêng ý niệm về sông nước, còn cả ý niệm về không gian, sao người Việt lại nhìn nhận Đông - Tây - Nam - Bắc mà không phải Bắc - Nam - Tây - Đông như phương Tây? Ý niệm tim trong tiếng Việt ta khác biệt thế nào so với các ngôn ngữ khác?
Nhìn sâu hơn, có thể thấy cách con người nhìn nhận thế giới được thể hiện hoàn toàn qua ngôn ngữ, và cái mạch ngầm ẩn tàng sau câu chữ ấy, ngày nay có thể được khơi lên qua nghiên cứu của ngôn ngữ học tri nhận.
Nói để thấy, ngôn ngữ nước ta có nhiều vấn đề rất hay, rất lý thú, tưởng quen mà lạ, tưởng lạ mà quen, là vậy.