Vậy thì trong lịch sử triết học Trung Hoa, đạo Khổng chiếm địa vị quan trọng nhất mà phương tiện của đạo đó là CHÍNH và GIÁO, nghĩa là dùng chính trị và giáo dục để cải hóa con người, mưu cầu một cuộc sống yên ổn trong xã hội có tổ chức.
Cho nên ta có thể nói rằng đa số các triết gia Trung Hoa không tìm hiểu để hiểu biết mà tìm hiểu để giúp đời; họ nghiên cứu vũ trụ, tri thức và nhân sinh đều là vì nhân sinh, họ giống các triết gia thời cổ của Hy Lạp (như Platon, Aristote) hơn là giống các triết gia cận đại của Âu châu; họ là những chính trị gia, luân lý gia hoặc muốn đóng vai trò chính trị gia, luân lý gia.