TẤT CẢ DANH MỤC

Lịch Sử Giao Thương: Thương Mại Định Hình Thế Giới Như Thế Nào?

Hiểu quá khứ để định hình tương lai tốt hơn.

Trong xã hội loài người, chúng ta trao đi, đổi lại những thứ mình cần để duy trì cuộc sống là hoạt động tất yếu hàng ngày của mỗi cá nhân. Cao hơn thế, nhìn ở góc độ của toàn thể loài người, các hoạt động trao đổi thương mại trở thành một phần không thể thiếu của thế giới ngày nay, đến mức mỗi người nhiều khi lãng quên mất mình phụ thuộc vào chúng đến mức nào. Chỉ cần dành ra một phút nhìn quanh căn phòng bạn đang ngồi, hay nhìn qua mặt bàn làm việc của bạn, rồi tự hỏi mình xem có bao nhiêu thứ trong đó là do bạn tự tay tạo ra, vậy là bạn đã có câu trả lời.

Những hoạt động thương mại hình thành tác động ra sao tới lịch sử xã hội loài người được cô đọng trong cuốn: Lịch sử giao thương - Thương mại định hình thế giới như thế nào? (Tên gốc: A splendid exchange: How trade shaped the world) của tác giả William J. Bernstein. Ông là nhà thần kinh học, chuyên gia về lý thuyết tài chính và đầu tư, đồng thời cũng là người nghiên cứu sâu về lịch sử kinh tế. Cuốn sách tập trung vào hai nội dung chính: thứ nhất là quá trình hình thành và phát triển của hoạt động thương mại; thứ hai là tác động của thương mại tới sự định hình xã hội loài người trong suốt tiến trình lịch sử cũng như thế giới ngày nay.

W.J.Bernstein thuật lại lược sử thương mại từ những bước sơ khai nhất, khi con người nảy ra ý tưởng thiên tài mà cũng hết sức tự nhiên là trao đổi những gì đang có dư thừa lấy những thứ họ cần hay thích nhưng không có, trong khi người khác lại có ê hề, đến lúc thương mại có hình hài và quy mô sau này.

Quá trình hình thành bắt đầu từ cái nôi của văn minh nhân loại ở vùng Lưỡng Hà đến sự hình thành của những tuyến giao thương cổ xưa nhất rồi phát triển thành một mạng lưới phức tạp trải dài từ đế chế Roma ở phía tây tới đế chế Hán ở phía đông. Tiếp theo là sự gián đoạn của giao thương Đông – Tây trên đất liền khi hai đế chế suy tàn và Hồi giáo trỗi dậy từ Trung Đông và lan rộng ảnh hưởng, trở thành trung tâm của thương mại toàn cầu suốt một thời gian dài. Cùng lúc, thương mại hàng hải với Ấn Độ Dương là tuyến giao thương chính phát triển mạnh mẽ, thay thế Con đường tơ lụa trên bộ cổ xưa trở thành huyết mạch kinh tế của thế giới.

Bên cạnh bức tranh tổng thể của các bước thăng trầm của lịch sử thương mại, W.J.Bernstein phân tích mối tác động qua lại giữa thương mại với các yếu tố chính trị, xã hội và cả tự nhiên khác. Chẳng hạn, sự khác biệt về cấu trúc địa lý giữa Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương đã dẫn tới những tư duy về kinh tế - chính trị, chiến lược hải quân khác hẳn nhau giữa các nền văn minh Địa Trung Hải (như Hy Lạp) với các nền văn minh tham gia vào hệ thống thương mại Ấn Độ Dương (các quốc gia Hồi giáo Trung Đông, các tiểu quốc Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Hoa). Đồng thời, ông cũng đưa ra những ví dụ thú vị về các thời điểm khi lợi ích kinh tế, chính trị và xung đột tôn giáo mâu thuẫn với nhau, buộc các nhà cầm quyền phải đưa ra lựa chọn. Chẳng hạn như câu chuyện trứ danh khi Thống lĩnh Venice Enrico Dandolo dùng mọi thủ đoạn lèo lái để đưa đoàn quân Thập tự chinh tấn công cướp phá Constantinople, đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng của Venice, thay vì tấn công Ai Cập, đối tác thương mại quan trọng của Venice, như các thủ lĩnh cuộc Thập tự chinh dự kiến.

Và không chỉ những nỗ lực có ý thức của con người, mà có lúc thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong con đường diễn tiến của lịch sử. Dịch hạch Cái chết Đen vào thế kỷ XIV đã tàn phá cả châu Âu Ki tô giáo lẫn Trung Đông Hồi giáo, nhưng hệ quả lại khác hẳn nhau. Dịch bệnh đã làm suy yếu chế độ phong kiến ở châu Âu, giúp tự do tư tưởng, thương mại có cơ hội phát triển, trong khi lại khiến văn minh Hồi giáo bị tổn thương nặng nề không thể hồi phục, mở đường cho sự xoay chiều trong ưu thế thương mại toàn cầu từ Đông sang Tây.

Trong Lịch sử giao thương đề cập đến những nhân vật, cả nổi tiếng lẫn vô danh tham gia đóng góp vào việc hình thành nên lịch sử thương mại. Đó là một thương gia Lưỡng Hà vô danh mà một thư tín trên đất nung lưu lại bằng chứng về một cuộc giao dịch cách đây hàng nghìn năm. Đó là Vasco da Gama, là Columbus, những nhà hàng hải đã mở đường để châu Âu dành lại vị thế kiểm soát thế giới. Hay Richard Cobden, người đi tiên phong đấu tranh cho tư tưởng tự do thương mại tại Anh nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Giao thương không chỉ là trao đổi hàng hóa mà còn là quá trình tranh giành thị trường, tranh giành độc quyền kinh doanh các loại hàng hóa sinh lời lớn. Sự tiếp xúc giữa những con người thuộc về những quốc gia cách xa nhau cũng đồng nghĩa với trao đổi mầm bệnh chết người. Các thủy thủ đoàn tàu buôn đã góp phần làm lan tràn Cái chết Đen ở châu Âu. Các đoàn thám hiểm Tây Ban Nha đã khiến nhiều sắc tộc thổ dân châu Mỹ tuyệt chủng vì những mầm bệnh họ mang theo. Tranh giành thị trường, tranh giành các tài nguyên hàng hóa chiến lược đã là nguyên nhân chính của hầu hết chiến tranh từ cổ chí kim, từ chiến tranh Peloponnese tới hai cuộc Thế chiến đẫm máu trong thế kỷ XX.

W.J.Bernstein đã tường thuật lại câu chuyện về thương mại và tác động của nó tới xã hội loài người một cách trung tính, chỉ ra đầy đủ cả mặt sáng và mặt tối của câu chuyện này. Quan trọng hơn, tất cả chúng ta đều biết đây là câu chuyện vẫn còn đang tiếp tục, và hiểu biết về quá khứ có lẽ là cách tốt nhất, nếu không nói là duy nhất, để trong tương lai mặt tối của thương mại được kiểm soát tốt hơn, và mặt sáng, những lợi ích thương mại đem lại cho con người, được phát huy triệt để hơn.

Nguồn vietnamnet

 

HƠN 21.000 TỰA SÁCH HAY

Tuyển chọn bởi NetaBooks.vn

 

MIỄN PHÍ GIAO HÀNG

Từ 150k ở HCM, từ 300k ở tỉnh thành khác

 

QUÀ TẶNG MIỄN PHÍ

Tặng bookmark, bao sách miễn phí

 

ĐỔI TRẢ NHANH CHÓNG

Hàng bị lỗi được đổi trả nhanh chóng