TẤT CẢ DANH MỤC

Niên lịch miền gió cát: Tôi không muốn tồn tại, tôi muốn sống

“Việc coi đất đai như một tổ hợp cộng đồng là một khái niệm cơ bản trong sinh thái học, nhưng việc coi đất đai như một thứ để yêu thương, trân trọng lại là một phần mở rộng của đạo đức. Sự thật rằng đất đai hàm ẩn các giá trị văn hóa là một sự thật lâu đời nhưng gần đây đã rơi vào quên lãng”.

Sách "Niên Lịch Miền Gió Cát" của tác giả  Aldo Leopold

Từ thời cổ đại, nhà triết học Hy Lạp Protagore (thế kỉ V trước công nguyên) đưa ra tuyên bố nổi tiếng: “Con người là thước đo của mọi thứ”. Trong Sáng thế, loài người được ban cho quyền “thống trị” cá dưới nước và chim trên trời cùng mọi sinh vật di chuyển trên mặt đất. Đó là chưa kể đến vô số những hình thức biểu đạt khác đồng thuận với quan điểm lấy con người làm trung tâm – hơn lấy sinh thái làm trung tâm. Vậy thật sự điều đó có đúng hay không? Tôi nghĩ rằng chúng ta cần xem xét lại các mối quan hệ về sự cân bằng giữa tự nhiên với tự nhiên và tự nhiên với con người. "Niên lịch miền gió cát" là một cuốn sách hé lộ phần nào câu trả lời, và cũng là một cuốn sách nên đọc với những bạn quan tâm đến môi trường.

Miền gió cát: Một vùng đất tuyệt đẹp

"Niên lịch miền gió cát" lấy bối cảnh tại trang trại miền gió cát ở Wisconsin, đó là thế giới bình yên nhất mà con người ta có thể “Về quê nuôi cá và trồng thêm rau”. Tác phẩm được chia làm ba phần chính, phần I: "Niên lịch miền gió cát" những bài viết được sắp xếp theo thứ tự mười hai tháng trong năm. Từ tháng giêng tuyết tan, tháng tư mùa nước nổi, hoa cải báo xuân đến tháng tám cánh đồng xanh cỏ, tháng chín bản hợp xướng của rừng cây bụi, tháng mười hai những rặng thông tuyết và con chim bạc má mang số hiệu 65290. Thời gian nơi hạt gió cát là một chuỗi tịnh tiến của vô vàn những điều cám dỗ lòng người. Những cuộc thăm thú lãng đãng, dung dị của những ngày tuyết tan, dấu chân chồn, chim bạc má, diều hâu và cả những con chuột đồng.

Phần II: Những phác họa đó đây đi qua những đầm lầy, những lát cắt qua từng năm tháng cùng với sự thật mà người ta bắt đầu ngộ ra về mối quan hệ giữ tự nhiên với tự nhiên, tự nhiên và con người.

Phần III: Buổi yến tiệc những câu hỏi để nhìn lại về hướng đi của bảo tồn của con người liệu có đúng đắn. Tôi đã thắc mắc tại sao tên cuốn sách là vậy, cho đến khi đọc, tôi mới tỏ ra nhiều điều. Thật sự, mọi thứ trên đời đều có nguyên do và ý nghĩa của nó nếu các bạn muốn biết thì cuốn sách luôn chờ bạn khám phá.

Thế giới ở “Niên lịch miền gió cát” sinh động, chân thực như trong những chương trình “Thế giới động vật”, “Thế giới đó đây”, với những góc máy khuất, người đọc thỏa sức khám phá thiên nhiên hoang dã cùng những suy tư mà tác giả muốn chúng ta cùng ngẫm và trả lời.

Tự nhiên luôn có những cân bằng kỳ diệu

Có những tác động làm tự nhiên không còn tự nhiên nữa. “Nếu như bầy hươu sống trong nỗi kinh sợ bầy sói, thì những ngọn núi luôn sống trong nỗi khiếp đảm bầy hươu”. Con người dùng cái mác bảo tồn để bảo vệ loài này nhưng vô tình đẩy một loài khác đến bên bờ vực tuyệt chủng. “Và cũng vì thế mà chúng ta chỉ còn trơ lại các thung lũng cát và tương lai con người cứ trôi ra biển lớn theo những dòng sông cuộn chảy”. Ẩn trong hoang dã là sự cứu rỗi cho thế giới. Có lẽ đó cũng là ý nghĩa ẩn trong tiếng tru của loài sói mà núi non đã biết từ lâu nhưng người đời thì đến giờ vẫn chưa thông hiểu.

Lạm dụng việc nhân giống thú săn sẽ khiến pháp luật lên tiếng quản lí đầu vào. Việc thắt chặt quản lí thú săn sẽ làm giảm giá trị của chúng như những chiến lợi phẩm, vì giờ đây việc săn bắn chúng đã mất đi tính hoang dã nguyên sơ. Để bảo vệ con cá hồi người ta phải tiêu diệt những con diệc hay chim hồng tước… người đánh cá sẽ không cảm thấy mất mát gì trong việc đánh đổi giữa sinh mạng loài này và loài khác nhưng sự đánh đổi này lại khiến các nhà điểu học cắn móng tay điên loạn.

“Điều gì xảy ra với loài thú săn mồi khi chúng ta biến một loài thú bị săn thành một thứ lâm sản để thu hoạch? Liệu chúng ta cần các biện pháp dành cho ngoại lai? Làm cách nào để bên quản lí thiên nhiên có thể phục hồi các giống loài đang dần tiêu biến như loài gà gô, vốn đã tuyệt chủng do săn bắn?” Vô vàn những câu hỏi vì sao con người cần trả lời.

Con người thực sự muốn gì?

“Nền văn hóa thượng cổ thường gắn liền với thiên nhiên hoang dã. Do đó, loài bò rừng không chỉ là nguồn thức ăn cho người thổ dân châu Mỹ, mà còn là nguồn cảm hứng cho kiến trúc, trang phục, ngôn ngữ, nghệ thuật và tín ngưỡng của họ”.

Con người ta đâu phải lúc nào cũng quay về quá khứ được? Thời gian không bao giờ quay đầu, có chống lại nó thì nó vẫn đẩy chúng ta đi về phía trước. Đôi khi để học được một bài học chúng ta phải trả một cái giá rất đắt. Chính vì vậy, sự tiếc nuối là một điều cần thiết xảy ra với con người, chúng ta không bao giờ có thể quay ngược thời gian, cũng không biết tương lai sẽ mang đến điều gì? Những cuộc hành hương về đầm lầy, những loài chim đặc biệt chỉ xuất hiện ở hạt Miền Gió Cát bởi tự nhiên nơi đây dung chứa chúng.

Con người sinh ra không phải để đối đầu với tạo hóa, chúng ta không có răng nanh, không có móng vuốt vũ khí, chúng ta có là tư duy. Khoa học hiện đại đơm hoa kết trái và cuộc sống của con người ngày càng nhẹ nhàng hơn. Trong Sapiens: Lược sử loài người, Yuval Noah Harari đã viết: “Chúng ta đã tiến lên từ những chiếc xuồng đi sông, đến thuyền có mái chèo, đến tàu hơi nước, đến tàu con thoi – nhưng ai biết chúng ta sẽ đi tới đâu. Chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhưng gần như không biết làm gì với sức mạnh đó. Tệ hơn nữa, con người dường như vô trách nhiệm hơn bao giờ hết.” Chúng ta gây nên sự hủy hoại thảm khốc cho các loài động vật, thảm thực vật và cả hệ sinh thái, chúng ta tìm kiếm cho mình cảm giác thoải mái, thư thái và tận dụng sự hiện đại nhưng chưa bao giờ thấy hài lòng. Chúng ta kiếm tìm thiên nhiên vì nó cho ta niềm vui sướng, chúng ta nghe đến “cách hành xử trong thiên nhiên”, chúng ta răn dạy giới trẻ, chúng ta in những khái niệm để treo tường, đóng đinh… mỗi người đều đang tái hiện một kịch bản thấm nhuần chất liệu đời sống hằng ngày

Hãy để một thân cây mọc lên

Ở thung lũng Genova có một bài hát “Trên mặt đất rễ cây đâm sâu, cùng sống với ngọn gió, cùng hạt giống vượt qua mùa đông, cùng chim chóc ca vang mùa xuân…”  dù sở hữu bao nhiêu quyền năng, bao nhiêu năng lực, có hiện đại, vĩ đại ra sao thì con người không thể sống và tồn tại trong thế giới không có đất, cây cối và các loài vật khác được. Con người chúng ta đang sống vì điều gì? Con người chúng ta đang chống lại điều gì? Kẻ thù lớn nhất của chúng ta là ai? Những núi rác, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, sự tận diệt của tự nhiên, một trái đất hoang tàn. Những lưỡi cưa cắt ngang thân gỗ sồi qua từng năm cùng biến động của sàn chứng khoán mà tôi tin rằng “Giả như cây gỗ sồi có nghe thấy tiếng đổ rầm của sàn chứng khoán thì những thớ gỗ cũng chẳng mảy may rung động”.

Dù muốn hay không, con người chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, thời gian trôi qua, ai cũng sẽ lớn lên và già đi, sẽ có một ngày chúng ta tạm biệt thế giới, bỏ lại tất cả ở phía sau và biến mất mãi mãi, nhưng chính cái chết làm chúng ta biết sợ, làm chúng ta trân quý hiện tại và yêu thương cuộc sống này hơn. Vòng sinh tử của tạo hóa sẽ chẳng bỏ qua ai, cái gì cả, và tự nhiên cũng sẽ như vậy. Chúng ta thỉnh thoảng vẫn nghe đâu đó loài này tuyệt chủng, loài kia được đưa vào sách đỏ… và nghe nó như một điều lúc đầu thật khó tin nhưng sau cũng dần thấy bình thường. Nếu chúng ta không biết quý trọng tài nguyên, yêu thương mẹ thiên nhiên hơn thì đến một ngày sẽ chẳng còn trái đất để sống nữa.

Kết.

Trong những câu chuyện cổ tích, đến cuối cùng chúng ta vẫn thường nghe “Và từ đó họ sống hạnh phúc mãi về sau…”, con người chúng ta dù giàu sang hay nghèo khó thế nào thì cuối cùng điều chúng ta mong muốn vẫn là một cuộc sống hạnh phúc. Trái đất đã được thống nhất thành một khối duy nhất về sinh thái và lịch sử, nhân loại cũng tận hưởng sự tiện nghi và giàu sang chỉ có trong chuyện cổ tích nhưng liệu chúng ta có đang hạnh phúc? Thế nào mới là hạnh phúc? Hạnh phúc do đâu mà có? Liệu chúng ta có đang sống hạnh phúc hơn tổ tiên của mình ngày trước? Tự nhiên có những quy ước của nó, mọi vật cũng đều có một giới hạn, khi con người vượt qua những giới hạn đó thì sẽ phải trả giá cho hành động của mình. Làm mẹ thiên nhiên nổi giận, hậu quả con người nhận lại chưa bao giờ là dễ chịu.

Nguồn booklish

Triết học có vai trò rất to lớn đối với sự phát triển của khoa học cụ thể. Và ngược lại, với mỗi giai đoạn phát triển của khoa học, nhất là khoa học tự nhiên thì triết học cũng có một bước phát triển. Tìm hiểu những kiến thức về “Triết Học - Khoa Học” để hiểu mình và thế giới này. Xem tại đây

Niên Lịch Miền Gió Cát

Niên Lịch Miền Gió Cát

  • Giá bìa: 149.000 ₫
  • Giá bán tại NETA: 126.650 ₫
Mua ngay
 

HƠN 21.000 TỰA SÁCH HAY

Tuyển chọn bởi NetaBooks.vn

 

MIỄN PHÍ GIAO HÀNG

Từ 150k ở HCM, từ 300k ở tỉnh thành khác

 

QUÀ TẶNG MIỄN PHÍ

Tặng bookmark, bao sách miễn phí

 

ĐỔI TRẢ NHANH CHÓNG

Hàng bị lỗi được đổi trả nhanh chóng