Tập phóng sự phản ánh sự thối nát của bọn hào lý, cũng như sự bất bình của người dân quê nghèo khổ thông qua những câu chuyện sinh động. Nghiên cứu khoa học xã hội mới là sự nghiệp chính của tác giả, nhưng chỉ với tập phóng sự này, Nguyễn Đổng Chi đã khẳng định tư cách nghệ sĩ già dặn của ngòi bút ông. Trên các trang sách của mình, ông đã luôn đứng về phía người dân, yêu thương và bênh vực họ. Đây là một tác phẩm có giá trị cao của dòng văn học hiện thực giai đoạn 1932 - 1945.
Nhận định
"Túp lều nát của Nguyễn Đổng Chi chân thực và sinh động vì tính phóng sự của cuốn sách được tôn trọng tối đa - “những cảnh khổ trần ai của một vùng nông thôn Hà Tĩnh do nghèo đói, do ngu dốt, để bị đám tổng lý hào cường chức dịch ở làng tha hồ bóp nặn, bóc lột, đè nén, đánh đập hiện lên chân thực và sinh động dưới ngòi bút của một con người có con mắt thấu hiểu và có tấm lòng đồng cảm, thương xót”.
(Phạm Xuân Nguyên)
Thông tin tác giả Nguyễn Đổng Chi
GS Nguyễn Đổng Chi quê ở Hà Tĩnh, sinh tại Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), là con nhà giáo có đức độ và uy vọng Nguyễn Hiệt Chi, từng là đồng sáng lập trường Trường Dục Thanh. Với cuộc đời từng trải và hơn 50 năm cầm bút, sự nghiệp của ông trải rộng từ sáng tác văn học, nghiên cứu văn học, nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu Hán - Nôm, khảo cổ…, ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp lớn. Cống hiến nổi bật hơn cả của ông là ở lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian. Ông được xem là một trong những nhà văn hóa dân gian hàng đầu, là người đầu tiên xâu chuỗi các motif truyện cổ tích Việt Nam với cổ tích của nhiều nước. Tác phẩm Kho tàng cổ tích Việt Nam được đánh giá là “công trình nghiên cứu folklore đã trở thành cổ điển”. Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Tại nhiều tỉnh, thành như Hà Tĩnh, Hải Dương, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang có đường phố mang tên ông.