Hơn 100 năm trước, những chuyến tàu thủy từ Hải Phòng đã vượt biển chở theo hàng nghìn nông dân Việt Nam tới các quần đảo ở châu Đại Dương xa xôi. Họ đi theo diện xuất khẩu lao động tự nguyện, làm việc với hợp đồng 5 năm thông qua các công ty tuyển dụng của thực dân Pháp. Những con người ấy dường như đã gọi mình là “chân đăng”.
Điểm đến của chân đăng là các mỏ khoáng sản ở quần đảo New Caledonia (hay Tân Thế Giới) và một số đồn điền ở quần đảo New Hebrides (hay Tân Đảo). Mang theo những mưu cầu giản đơn, họ không thể ngờ rằng sẽ phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ và đương đầu với nhiều biến cố lịch sử.
Cuốn truyện tranh Kí Ức Kiều Bào: Chân Đăng - Phu Mỏ Người Việt Ở Tân Thế Giới mang đến cho độc giả cơ hội “gặp gỡ” những chân đăng làm phu mỏ ở New Caledonia xưa, từ đó hiểu thêm về một thế hệ người Việt tha hương. Ở nơi xứ người, họ đã bộc lộ nhiều phẩm chất điển hình của người Việt: cần cù, chịu khó, dũng cảm, lạc quan, không khuất phục trước nghịch cảnh, luôn hướng về quê cha đất tổ mà vẫn tích cực hòa nhập với cộng đồng bản xứ…