Ẩm thực - thứ tưởng chừng thân thuộc, đời thường - trong tay Rachel Laudan đã trở thành một lăng kính mạnh mẽ để soi chiếu lịch sử nhân loại. Ẩm thực và Đế chế không phải là một cuốn sách dạy nấu ăn, cũng không phải là tuyển tập các giai thoại ẩm thực. Đây là một công trình sử học sắc sảo, đầy cảm hứng, tái định nghĩa cách chúng ta hiểu về món ăn - không chỉ là thứ ta đưa vào cơ thể, mà là biểu hiện tập trung của quyền lực, tín ngưỡng và trật tự xã hội.
Từ những nền ẩm thực dựa trên ngũ cốc của các đế chế cổ đại, đến ẩm thực Phật giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo; từ các bàn tiệc hoàng gia đến những bếp ăn nông dân, từ món bánh mì của đạo Tin Lành đến chiếc hamburger Mỹ hiện đại - Ẩm thực và Đế chế dẫn dắt người đọc qua 5.000 năm lịch sử thế giới, với một câu hỏi xuyên suốt: tại sao chúng ta ăn như thế này, chứ không phải cách khác?
Với tầm nhìn toàn cầu và nền tảng học thuật vững chắc, Rachel Laudan đưa ra một khung lý thuyết đột phá: mỗi nền ẩm thực đều được định hình bởi một triết lý ẩm thực - một hệ tư tưởng về cái gì là món ăn tốt, ai nên ăn món gì, và tại sao. Từ đó, bà lý giải cách các nền ẩm thực lan rộng cùng với quyền lực chính trị, thay đổi cùng với tôn giáo, và biến chuyển theo các tiến bộ công nghệ. Ẩm thực, theo Laudan, không bao giờ “nguyên bản” hay “thuần khiết”; nó luôn là sản phẩm của lịch sử, xung đột và lai ghép. Những tri thức này giúp độc giả vượt qua lối nhìn giản đơn về “ẩm thực truyền thống” hay “ẩm thực bản địa”, đồng thời mở ra một cách tiếp cận mới để hiểu thế giới - từ bàn ăn.
Ra mắt năm 2013, Ẩm thực và Đế chế nhanh chóng trở thành một tác phẩm mang tính bước ngoặt trong ngành food studies. Cuốn sách được giảng dạy tại nhiều đại học lớn và giành giải thưởng IACP cho Sách Lịch sử Ẩm thực Xuất sắc nhất năm 2014. The Wall Street Journal gọi đây là “một sử thi về các nền ẩm thực”, trong khi The New York Times đưa sách vào danh sách nổi bật năm. Không chỉ tác động đến giới học thuật, tác phẩm này còn tạo cảm hứng cho các đầu bếp, blogger và nhà hoạt động thực phẩm trên toàn thế giới, khi họ nhận ra rằng: nấu ăn là một hình thức tư duy - một triết học sống.
Trong bối cảnh thị trường sách Việt Nam ngày càng quan tâm đến các chủ đề văn hóa, bản sắc và toàn cầu hóa, Ẩm thực và Đế chế bổ sung một mảnh ghép quan trọng còn thiếu : một lịch sử tư duy ẩm thực mang tính toàn cầu, được viết bởi một học giả nhưng đủ sức gợi mở cho công chúng. Không chỉ giúp hiểu rõ ẩm thực như một thực hành văn hóa, cuốn sách còn khơi dậy tư duy phản biện về những khái niệm tưởng như phổ biến nhưng thiếu nền tảng: “ẩm thực truyền thống”, “thuần Việt”, hay “nguyên bản”.
Cuốn sách cũng mở ra hướng tiếp cận liên ngành cho những ai đang nghiên cứu hoặc thực hành trong các lĩnh vực như giáo dục văn hóa, sáng tạo nội dung, truyền thông ẩm thực, du lịch, nông sản và thiết kế trải nghiệm. Việc nhìn nhận ẩm thực không phải là “di sản đóng khung”, mà là dòng chảy lịch sử gắn với quyền lực, di cư và lựa chọn triết học, giúp Việt Nam có thể tham gia một cách tỉnh táo và chủ động vào những cuộc đối thoại toàn cầu về bản sắc, văn hóa ăn uống và phát triển bền vững.